Nội dung cuốn sách “Chiến lược doanh nghiệp: Từ nguồn gốc lịch sử quân sự đến xu thế quản trị chiến lược nguồn nhân lực” gồm 20 chương, được tổ chức thành 6 phần, như sau:
- Phần 1: Gồm 02 chương.
Chương 01 giới thiệu tổng quan lịch sử phát triển của ngành Chiến lược doanh nghiệp, có nguồn gốc từ quân sự, sơ khai từ những nghiên cứu nền tảng về bàn tay vô hình của Adam Smith (1776) và bàn tay hữu hình của Chandler (1977); và chính thức khởi đầu từ nghiên cứu của Ansoff (1957).
Chương 02 trình bày những khái niệm cơ bản về doanh nghiệp và các hoạt động xây dựng, quản trị chiến lược doanh nghiệp. Theo dòng phát triển lịch sử hình thành và phát triển khái niệm doanh nghiệp, tác giả sẽ trình bày các khái niệm doanh nghiệp theo các trường phái lý luận khác nhau, giải thích về bản chất, tổ chức và vận hành bên trong doanh nghiệp cũng như các nguồn gốc sinh ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tiếp theo là những định nghĩa cơ bản về chiến lược, các cấp chiến lược và quy trình hoạch định chiến lược.
- Phần 2: Gồm 04 chương, gắn liền với bối cảnh lịch sử thời kỳ đầu của ngành chiến lược doanh nghiệp theo tư tưởng thích nghi và tồn tại với môi trường.
Chương 03 trình bày các mô hình phân tích chiến lược đầu tiên xuất hiện trong những năm 1960 – 1970, gồm: Ma trận phát triển Sản phẩm – Thị trường của Ansoff (1957), ma trận SWOT, ma trận BCG, và ma trận McKinsey.
Chương 04 tập trung phân tích môi trường bên ngoài doanh nghiệp, cụ thể về bản chất và cấu trúc của môi trường bên ngoài, gồm môi trường vĩ mô, môi trường ngành của doanh nghiệp. Đồng thời, các công cụ, mô hình phân tích môi trường bên ngoài doanh nghiệp cũng được trình bày chi tiết theo dòng lịch sử thời gian từ bối cảnh hình thành, nội dung phân tích, các bước xây dựng, áp dụng phân tích ví dụ thực tế, ý nghĩa và hạn chế của từng công cụ, mô hình phân tích.
Chương 05 phân tích các yếu tố nội tại doanh nghiệp nhằm xác định điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp. Sau khi phân tích khái niệm lợi thế cạnh tranh, mô hình chuỗi giá trị sẽ được giới thiệu như là công cụ hữu ích để xác định các nguồn có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các nhà quản trị chiến lược sẽ định hình các mục tiêu và định hướng dài hạn của doanh nghiệp theo khung 3 loại hình chiến lược tổng quát, gồm: chi phí thấp, khác biệt hóa và tập trung. Phần cuối của chương là mô thức IFAS đánh giá tổng hợp môi trường bên trong của doanh nghiệp.
Chương 06 trình bày các mô hình phân tích chiến lược tổng hợp áp dụng trong quá trình quản trị chiến lược tổng thể toàn doanh nghiệp. Các mô hình học thuyết trò chơi, ma trận SPACE, ma trận chiến lược chính GSM, mô hình thẻ điểm cân bằng SBC và ma trận QSPM sẽ lần lượt được giới thiệu trong các phần nội dung chính sau đây.
- Phần 3: Gồm 04 chương, trình bày thời kỳ hiện nay của ngành chiến lược doanh nghiệp theo tư tưởng tạo dựng và điều khiển môi trường.
Chương 07, hệ tư tưởng mới phù hợp hơn trong môi trường kinh doanh hiện nay sẽ được giới thiệu cùng với học thuyết về nguồn lực và kiến thức. Đây là hệ tư tưởng cũng như các học thuyết được áp dụng phổ biến trong các doanh nghiệp phát triển năng động hiện nay.
Chương 08 trình bày khái niệm năng lực cốt lõi và khả năng động của doanh nghiệp với nội dung chiến lược và cách thức xây dựng. Hai nội dung năng lực cốt lõi và khả năng động đều được xem xét trong mối quan hệ với lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chương 09 giới thiệu môi trường “siêu cạnh tranh” ngày nay. Trong đó, mọi lợi thế cạnh tranh đều không bền vững. Để tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải luôn tích cực và chủ động không chỉ trong duy trì bảo vệ lợi thế hiện tại mà liên tục đổi mới phá vỡ và vượt trên những lợi thế của chính mình cũng như của cả các đối thủ. Đây cũng là những nội dung chính được trình bày đến trong chương này, qua 3 phần chính: môi trường siêu cạnh tranh, chiến lược bẻ gẫy và chiến lược đại dương xanh.
Chương 10 đề cập đến vai trò của quy trình hoạch định chiến lược trong doanh nghiệp. Hoạch định chiến lược cho phép doanh nghiệp xác định rõ khoảng cách kinh doanh giữa thực tại và định hướng tương lai, chủ động nắm bắt thời cơ, lường trước những thách thức rủi ro và tìm các giải pháp khắc phục trên cơ sở hiểu rõ thế mạnh và hạn chế về nguồn lực hiện có của doanh nghiệp.
- Phần 4: Gồm 05 chương, phân tích quá trình thực thi chiến lược và các đòn bẩy chiến lược của doanh nghiệp trong triển khai chiến lược.
Chương 11 trình bày chi tiết quá trình thực thi chiến lược của doanh nghiệp. Sau khi giới thiệu các khái niệm cơ bản, bản chất của vấn đề, nội dung chính sẽ tập trung phân tích mô hình thực thi chiến lược nhằm đạt hiệu quả cao; và kết hợp đi sâu, phân tích một số chính sách và hoạt động phân bổ nguồn lực quan trọng trong quản trị thực thi chiến lược.
Nội cung chính của chương 12 nhằm giới thiệu khái quát các mô hình cấu trúc tổ trúc doanh nghiệp phổ biến hiện nay; phân tích mối quan hệ giữa cấu trúc tổ chức và chiến lược doanh nghiệp; vai trò của cấu trúc tổ chức trong thực thi chiến lược; và cuối cùng trình bày phương pháp lựa chọn cấu trúc tổ chức phù hợp với chiến lược doanh nghiệp.
Chương 13 trình bày tổng quan văn hóa doanh nghiệp và phân tích mối quan hệ giữa văn hóa với chiến lược mà doanh nghiệp theo đuổi; gồm cả các phương pháp phân loại văn hóa doanh nghiệp theo các quan điểm khác nhau, và các yếu tố cấu thành nên văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa là yếu tố quan trọng gắn kết các thành viên, tập hợp, duy trì và phát triển nguồn nhân lực hiện tại và tiềm năng của một tổ chức. Để đạt được vị thế cạnh tranh bền vững trên thị trường, doanh nghiệp phải sở hữu không chỉ các nguồn lực tài chính, con người và công nghệ, mà phải xây dựng được những sức mạnh vô hình, chính là văn hóa doanh nghiệp.
Chương 14 phân tích mối quan hệ giữa quản trị nguồn nhân lực và chiến lược doanh nghiệp. Nguồn nhân lực chính là nguồn lực chính tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp; đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp; và đồng bộ giữa quản trị nguồn nhân lực và chiến lược doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả, năng suất lao động; từ đó đưa doanh nghiệp đến thành công và đạt được các mục tiêu kinh doanh đề ra.
Chương 15 trình bày những đặc điểm cơ bản của một nhà lãnh đạo chiến lược, vai trò, vị trí của phong cách chiến lược (Strategic Leardership) trong chiến lược doanh nghiệp và với sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Những người lãnh đạo có những đặc điểm riêng mặc dù mỗi người có một phong cách riêng xuất phát từ những cá tính riêng biệt và là đòn bẩy quan trọng trong toàn bộ quá trình quản trị chiến lược của doanh nghiệp.
- Phần 5: Gồm 02 chương, giới thiệu hoạt động kiểm tra, đánh giá và hiệu chỉnh chiến lược.
Chương 16 trình bày tổng quan nội dung kiểm tra, đánh giá và tổ chức hoạt động này cũng như quy trình đánh giá và hiệu chỉnh chiến lược trong doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh và toàn cầu hóa hiện nay, môi trường luôn biến động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực thi chiến lược. Quản trị chiến lược giúp doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu và định hướng nhưng là một quá trình dài hạn và phải luôn đảm bảo sự phù hợp giữa chiến lược với yêu cầu và những biến động môi trường trên cơ sở hoạt động kiểm tra, đánh giá định kỳ nhằm xác định chênh lệch và đưa ra các hành động, giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Chương 17 nghiên cứu thay đổi, tác động của thay đổi đến doanh nghiệp, quy trình quản trị thay đổi và các phương pháp điều chỉnh thích nghi với những thay đổi của doanh nghiệp. Quản trị thay đổi (change management) có vai trò và tác động không nhỏ trong hoạt động quản trị chiến lược của doanh nghiệp, tạo sự chuyển đổi từ trạng thái hiện tại của các cá nhân, nhóm và doanh nghiệp sang một trạng thái mới mong muốn. Quản trị thay đổi thành công sẽ góp phần đưa hoạt động của doanh nghiệp đi theo đúng quỹ đạo mà nhà chiến lược mong muốn.
- Phần 6: Gồm 03 chương, phân tích những thách thức và xu thế phát triển của ngành quản trị chiến lược doanh nghiệp.
Chương 18 đề cập một số thách thức chính mà hoạt động quản trị chiến lược có thể phải đối mặt cũng như những giải pháp cơ bản có thể áp dụng triển khai. Quản trị quy trình chiến lược đặt các nhà quản trị chiến lược trước nhiều thách thức như việc lệch hướng chiến lược, biến động về nhân sự, biến động môi trường cạnh tranh và bất ổn… Điều này đòi hỏi các nhà quản trị chiến lược phải có những đánh giá và phản ứng kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chương 19 phân tích định hướng quản trị chiến lược nguồn nhân lực. Mục tiêu kinh doanh được thực hiện khi doanh nghiệp có nguồn nhân lực cần thiết, có quy trình và hệ thống quản trị phát triển nguồn nhân lực đó; để tất cả đều làm việc và cống hiến vì mục tiêu chung của doanh nghiệp. Nhưng để đạt được điều này, doanh nghiệp cần quản trị chiến lược nguồn nhân lực (Strategic human resource management) một cách có hiệu quả, phù hợp và đồng bộ với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Chương 20 phân tích định hướng phát triển chiến lược nguồn nhân lực (Strategic human resource development) như một quá trình có kế hoạch, được xây dựng nhằm cải thiện năng lực của nguồn nhân lực trong hiện tại và tương lai nhằm nâng cao sự hiệu quả của quá trình hoạt động. Phát triển chiến lược nguồn nhân lực tập trung nhiều hơn vào sự phát triển cá nhân, nâng cấp các kĩ năng, kiến thức và thái độ của nhân viên. Phát triển chiến lược nguồn nhân lực là sự mở rộng của hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực, chủ động định hướng vào nâng cao hiệu quả của tổ chức, trong đó đào tạo và học hỏi được tích hợp với chiến lược theo chiều dọc để đạt được các mục tiêu của tổ chức và theo chiều ngang với các hoạt động quản trị nhân sự khác.
Xem thêm sách Quản trị chiến lược doanh nghiệp